# Câu và Cú pháp

# Cú pháp

Ðịnh nghĩa: Cú pháp là phép dùng câu hay cách lập thành câu văn của một ngôn ngữ. Cú pháp tiếng Pāli rất phức tạp, tuy vậy cũng có hệ thống nguyên tắc.

Văn phạm Pāli phân chia có 4 tự loại:

  1. Nāma: Danh từ, tính từ, và đại danh từ.
  2. Akhyāta: Động từ.
  3. Upasagga: Tiếp đầu ngữ.
  4. Nipāta: Liên tục từ, tiền trí từ, trạng từ, và bất biến từ.

# Thành phần cú pháp tiếng Pāli

Một câu thường gồm có 3 thành phần, gọi là những đơn vị cú pháp, đó là:

  • Chủ từ Kattu
  • Túc từ Kamma
  • Thuật từ Kiriyā

Một câu đơn giản tối thiểu cũng phải có hai thành phần là chủ từ kattu và thuật từ kiriyā.

Chú ý: Một câu không có túc từ vì câu ấy sử dụng thuật từ là tự động từ, tự nó đã làm đủ nghĩa của câu rồi; ngược lại một câu có túc từ vì câu ấy sử dụng thuật từ là tha động từ, tự nó chưa thể làm đủ nghĩa của câu.

Cũng có trường hợp một câu chỉ gồm túc từ kamma và thuật từ kiriyā hay chỉ có thuật từ kiriyā. Trong trường hợp này chủ từ kattu phải được hiểu ngầm.

Sau đây là những thí dụ:

1. Câu gồm 3 đơn vị cú pháp

  • Byaggho migaṃ māresi. (Con hổ đã giết con nai) -> Byaggho là chủ từ; migaṃ là túc từ; māresi là thuật từ tha động từ.

2. Câu thiếu túc từ

  • Ahaṃ sayāmi. (Tôi ngủ) -> Ahaṃ là chủ từ; sayāmi là động từ.

3. Câu thiếu chủ từ

  • Seṭṭhino Yaso nāma putto ahosi. (Có con trai của trưởng giả tên là Yasa) -> Ahosi là thuật từ; Seṭṭhino Yaso nāma putto là bổ túc từ của động từ (thuật từ).
  • Mā pāpaṃ karotha. (Các anh chớ làm điều ác) -> Pāpaṃ là túc từ; (mā) karotha là thuật từ, chủ từ câu này phải được hiểu ngầm theo động từ.
  • Gāme vasati. (Nó sống trong làng) -> Vasati là thuật từ; gāme chỉ là gián tiếp đối từ của động từ.

# Chủ từ kattu

Chủ từ là thành phần đứng làm chủ trong một câu hay một mệnh đề; nói cách khác, là tiếng chủ động của thuật từ (nhiều chủ từ có thể có cùng một thuật từ).

Chủ từ trong một câu có thể là một danh từ, hay một tính từ dùng như danh từ, hoặc là một đại danh từ, một danh động từ, một hợp từ, một đoản cú, hoặc cũng có thể là một mệnh đề danh từ.

Ví dụ:

1. Chủ từ là một danh từ

  • Kumāro odanaṃ bhuñjati. (Cậu bé ăn cơm).

2. Chủ từ là một tính từ dùng như danh từ

  • Dvisu itthīsu ekā vatthaṃ dhovi. (Trong hai người đàn bà, một bà đã giặt y phục).
  • Dhanavā gehaṃ kiṇissati. (Người giàu có sẽ mua ngôi nhà).

3. Chủ từ là một đại danh từ

  • So sunakhaṃ pahari. (Nó đã đánh đập con chó).
  • Ahaṃ sukhaṃ jīvāmi. (Tôi sống một cách an lạc).

4. Chủ từ là một danh động từ

  • Karaṇīyāni tumhehi kattabbāni honti. (Các việc nên làm, cần được các anh làm).
  • Tattha gamanaṃ sukhāvahaṃ bhavissati. (Sự đi đến đấy sẽ đem lại an lạc).

5. Chủ từ là một hợp từ (phức hợp ngữ)

  • Byagghadīpacchādayo mahallakesu vanesu avasuṃ. (cọp, beo, gấu v.v... đã sống tại những khu rừng già).

6. Chủ từ là một đoản cú

  • Māgadho Bimbisāro rājā attano pāsādassa uparimatale ṭhito (hoti). (Ðức vua Bimbisāra xứ Magadha đứng trên sân thượng lâu đài của mình).
  • Tena kho pana samayena Bārāṇasiyaṃ Yaso nāmakulaputto seṭṭhiputto sukhumālo hoti. (Vào thời ấy tại thành Bārāṇasī có gia-nam-tử tên là Yasa, con trưởng giả, người mảnh khảnh).

7. Chủ từ là một mệnh đề danh từ

  • Saccaṃ kira tvaṃ Nanda sambahulānaṃ bhikkhūnaṃ evaṃ ārocesi. (Có thật chăng, này Nanda, người đã trình bày như vậy cho nhiều vị Tỳ kheo).

# Túc từ kamma

Túc từ là thành phần bổ túc ý nghĩa cho động từ, cũng gọi là đối từ của động từ. Có hai loại túc từ: gián tiếp túc từ và trực tiếp túc từ.

Ví dụ: Ahaṃ yācakāya āhāraṃ demi. (Tôi cho vật thực đến người hành khất).

Trong thí dụ trên thì "yācakāya" (người hành khất) là gián tiếp túc từ của động từ. Tiếng gián tiếp túc từ thường là chỉ định cách (catutthī) hay định sở cách (sattamī). Tiếng "āhāraṃ" (vật thực) là trực tiếp túc từ của động từ. Tiếng trực tiếp túc từ thường là đối cách (dutiyā).

Túc từ trong câu có thể là một danh từ, một tính từ dùng như danh từ, một đại danh từ, một danh động từ, một hợp từ, một đoản cú, hoặc có thể là một mệnh đề danh từ.

Ví dụ:

1. Túc từ là một danh từ

  • Kassako khettaṃ kasati. (Người nông phu cày ruộng).

2. Túc từ là một tính từ dùng như danh từ

  • Corā dhanavantaṃ māresuṃ. (Những kẻ cướp đã giết chết người phú gia).

3. Túc từ là một đại danh từ

  • Kumāro maṃ pahari. (Cậu bé đã đánh tôi).

4. Túc từ là một danh động từ

  • Thero tassa āgamanaṃ paccāsiṃsati. (Vị trưởng lão trông đợi sự đi đến của ông ấy).

5. Túc từ là một hợp từ (phức hợp ngữ)

  • So pattacīvaraṃ ādāya piṇḍaya carati. (Vị ấy cầm lấy y bát rồi đi khất thực).

6. Túc từ là một đoản cú

  • Ahaṃ Jetavane viharantaṃ Bhagavantaṃ passiṃ. (Tôi đã yết kiến Ðức Thế Tôn khi Ngài trú tại Jetavana).

7. Túc từ là một mệnh đề danh từ

  • Satthā ... tattha maṃ nethā' ti āha. (Bậc đạo sư đã nói rằng: "Hãy đưa ta đến đấy").

# Thuật từ kiriyā

Thuật từ là tiếng diễn tả hành động của câu, hay là tiếng diễn đạt cái dụng của chủ từ .

Thuật từ thường là động từ và cũng có thể là một thành ngữ động từ.

Ví dụ:

1. Thuật từ là một động từ

  • Tvaṃ yācakassa āhāraṃ dadasi. (Anh cho vật thực đến kẻ hành khất).

2. Thuật từ là một thành ngữ động từ

  • So paribhuñjitvā tatth' eva divāvihāraṃ akāsi. (Vị ấy sau khi thọ thực đã nghỉ trưa ngay tại chỗ đó).

Một thuật từ trong câu có thể có một hay nhiều chủ từ.

Ví dụ:

  • Migo aṭaviyaṃ dhāvati. (Con nai chạy trong rừng).
  • Hatthī ca kapi ca araññe vasanti. (Con voi và con khỉ sống trong rừng).

# Sự khuếch trương đơn vị cú pháp

Khuếch trương là sự mở rộng, làm cho câu được phong phú về từ ngữ và ý nghĩa. Sự khuếch trương phổ biến có 3 trường hợp:

  • Khuếch trương chủ từ.
  • Khuếch trương túc từ.
  • Khuếch trương thuật từ.

# Sự khuếch trương chủ từ

Khuếch trương chủ từ là sự mở rộng thành phần chủ ngữ trong một câu cho ý nghĩa thêm phong phú.

Chủ từ trong một câu có thể được khuếch trương bằng một hay nhiều bổ túc từ, như là bằng những tính từ hoặc danh từ đồng cách, hoặc bằng một từ ngữ ở sở thuộc cách hay định sở cách, cũng có thể bằng một hợp từ, một đoản cú, hoặc một mệnh đề liên kết.

Sau đây là những ví dụ (tiếng khuếch trương được in đậm nghiêng):

1. Bằng tiếng tính từ

  • Dve kassakā khettaṃ kasanti. (Hai nông dân đang cày thửa ruộng).
  • Dhanavā seṭṭhī gehaṃ kārāpesi. (Ông trưởng giả giàu có đã cho kiến tạo ngôi nhà).

2. Bằng tiếng danh từ đồng cách

  • Rājā Ajātasattu Vedehīputto Devadattas-sa bhikkhuno upaṭṭhāsi. (Vua Ajātasattu, con bà Vedehī, đã hộ độ Tỳ kheo Devadatta).
  • Māgadho seniyo Bimbisāro rājā buddhassa veḷuvanaṃ pūjesi. (Vua Bimbisāra, người Magadha, vị lãnh tụ quân đội, đã cúng dường khu trúc lâm đến đức Phật).

3. Bằng một từ ngữ ở sở thuộc cách hay định sở cách

  • Gahapatino putto kālam-akāsi. (Con trai của gia chủ đã chết).
  • Gāme kutumbiko nagaraṃ gamissati. (Vị tộc trưởng trong làng sẽ đi đến thành phố).

4. Bằng một hợp từ

  • Sabbālaṅkarapaṭimandito Kāliṅgo cakka-vattī nagarā nikkhami. (Vị Chuyển Luân Vương Kāliṅga được trang điểm với mọi trang sức, đã rời khỏi thành phố).

5. Bằng một đoản cú

  • **Gāmaṃ gacchanto kumāro **goṇaṃ disvā bhāyi. (Ðứa bé khi đang đến làng, thấy con bò, nó đã sợ).

6. Bằng một mệnh đề liên kết

  • Yo pana dhammānudhammappaṭipanno vi-harati sāmīcipaṭipanno anudhammacārī so Tathā-gataṃ sakkaroti garu karoti. (Ai sống có hạnh tùy pháp trong pháp, hạnh kiểm chân chánh, hành thuận pháp, là người ấy kính lễ, tôn trọng Như Lai).

# Sự khuếch trương túc từ

Khuếch trương túc từ là sự mở rộng từ ngữ và ý nghĩa của thành phần túc từ trong một câu để làm cho phong phú thêm.

Túc từ trong một câu, cũng như chủ từ, có thể được khuếch trương bằng một hay nhiều bổ túc từ là những tiếng tính từ, hoặc những tiếng danh từ đồng cách, hoặc bằng một từ ngữ ở sở thuộc cách hay định sở cách, hoặc một hợp từ, một đoản cú, hay một mệnh đề liên kết.

Ví dụ:

1. Bằng tiếng tính từ

  • Puriso mahantaṃ rukkhaṃ chindati. (Gã đàn ông đốn cội cây lớn)

2. Bằng tiếng danh từ đồng cách

  • So rājā attano ** pitaraṃ seniyaṃ** Bimbi-sāraṃ jīvitā voropesi. (Vị vua ấy đã đoạt mạng sống đức Bình Sa Vương, vị lãnh tụ quân, cha của mình).

3. Bằng từ ngữ ở sở thuộc cách hay định sở cách

  • Rājā seṭṭhino puttaṃ māresi. (Ðức vua đã giết chết người con trai của ông trưởng giả).
  • Rājā nagare purise nīhari. (Nhà vua đã tẩn xuất những người đàn ông trong thành phố).

4. Bằng một hợp từ

  • Kāliṅgo cakkavattī Keḷāsekūtapaṭibhāga-gaṃ gajaratanaṃ āruyha agamāsi. (vị Chuyển Luân Vương Kāliṅga sau khi ngự lên tượng báu to bằng đỉnh núi Keḷāsa, ngài đã ra đi).

5. Bằng một đoản cú

  • Rājā Pasenadi Kosalo dhammaṃ desentaṃ Bhagavantaṃ passi. (Ðức vua Pasenadi xứ Kosala đã yết kiến Ðức Thế Tôn khi Ngài đang thuyết pháp).

6. Bằng một mệnh đề liên kết

  • Yo me ñāṇaṃ pakittesi pasannena cetasā taṃ ahaṃ kittayissāmi. (Ai tán dương trí tuệ của ta bằng tâm thanh tịnh, ta khen ngợi kẻ ấy).

# Sự khuếch trương thuật từ

Khuếch trương thuật từ là gia tăng từ ngữ bổ túc thêm cho thuật từ trong câu được phong phú.

Thuật từ có thể được khuếch trương bằng một trạng từ, hay một từ ngữ, một đoản cú tương đương trạng từ, hoặc bằng một mệnh đề trạng từ. Sau đây là những ví dụ:

1. Bằng một trạng từ

Ahaṃ sukhaṃ sayāmi. (Tôi ngủ được an lạc). Tuyhaṃ asso sīghaṃ dhāvi. (Con ngựa của anh đã chạy nhanh).

2. Bằng từ ngữ hay đoản cú tương đương trạng từ

  • Puriso rukkhaṃ pharasunā chindati. (Người đàn ông đốn cây bằng chiếc búa).
  • So gāmaṃ iminā khuddakena maggena gacchati. (Nó đi đến làng theo con đường nhỏ này).

3. Bằng một mệnh đề trạng từ

  • Sace yujjhitukāmo' si jayaṃ samma dadāmi te. (Này bạn, nếu bạn muốn chiến đấu, tôi sẽ dành cho bạn phần chiến thắng).
  • Yāva so mattaṃ aññāsi bhojanasmiṃ vihaṅ-gamo tāva addhānaṃ āpādī mātarañ ca aposayī. (Chừng nào con chim ấy biết tiết độ trong sự ăn uống, chừng ấy nó đã chịu đựng được đường xa và nuôi mẹ được).

# Sự hòa hợp giữa các đơn vị cú pháp

Sự hòa hợp giữa các đơn vị cú pháp là nói đến sự phù hợp tương xứng giữa:

  • Chủ từ và thuật từ trong câu.
  • Thành phần tính từ khuếch trương và danh từ liên hệ.
  • Tiếng chỉ thị đại danh từ và phiếm chỉ đại danh từ trong câu có mệnh đề liên kết.

Sự hòa hợp giữa các đơn vị cú pháp trong câu sẽ giúp dễ dàng phân tích câu và nhận định được ý nghĩa cùng vai trò của các từ ngữ trong câu.

# Sự hòa hợp giữa chủ từ và thuật từ trong câu

1. Tiếng chủ từ và thuật từ trong cùng một câu, hay một mệnh đề, phải được đồng nhất về ngôi vị (purisa) và ngữ số (vacana).

Ví dụ:

  • Puriso rukkhaṃ chindati. (Người đàn ông đốn cây).
  • So araññamhi sayi. (Nó đã ngủ tại khu rừng).
  • Tumhe odanaṃ bhuñjissatha. (Các anh sẽ ăn cơm).
  • Ahaṃ gehaṃ karomi. (Tôi kiến tạo ngôi nhà).
  • Sace tvaṃ rukkhaṃ chindissasi, ahaṃ taṃ āharissāmi. (Nếu anh đốn cây, tôi sẽ mang cây ấy về).

2. Trong một câu có hai hay nhiều tiếng chủ từ cùng diễn tả một hành động và có nối nhau bằng liên từ "ca" thì thuật từ luôn luôn ở số nhiều.

Ví dụ:

  • Sunakho ca babbu ca gehe vasiṃsu. (Chó và mèo đã sống trong nhà).
  • Luddakā ca byaggho ca aññamaññaṃ yuj-jhiṃsu. (Những người thợ săn và con hổ đã chiến đấu với nhau).

3. Tuy nhiên trong một câu có hai tiếng chủ từ mà liên kết nhau bằng liên từ "vā" (hoặc, hoặc là) thì thuật từ không bị buộc ở số nhiều.

Ví dụ:

  • Puriso vā itthī vā pāpaṃ vā pāpaṃ katvā dukkhaṃ vindati. (Nam nhân hoặc nữ nhân khi đã làm điều ác thì phải chịu sự khổ đau).
  • Sakkā goṇā vā assā vā khette tiṇaṃ khādiṃ-su. (Có thể là những con bò hoặc những con ngựa đã ăn cỏ trong thửa ruộng).

4. Một câu có nhiều chủ từ cùng diễn tả một hành động, mà trong những chủ từ ấy có một thuộc ngôi thứ nhất (uttamapurisa) thì thuật từ của câu sẽ là ngôi thứ nhất.

Ví dụ:

  • Ahañca tvañca nagaraṃ gacchāma. (Tôi và anh, chúng ta sẽ đi đến thành phố).
  • Mayaṃ ca te ca gāme vasimhā. (Chúng tôi và họ đã sống trong làng).
  • Ahaṃ ca tumhe ca te ca imaṃ nadiṃ tarāma. (Tôi, các anh và chúng nó hãy vượt qua con sông này).

5. Nếu có nhiều chủ từ cùng một thuật từ, mà trong đó có một thuộc ngôi thứ hai (majjhimapurisa) và một thuộc ngôi thứ ba (paṭhamapurisa) thì thuật từ được đặt ở ngôi thứ hai.

Ví dụ:

  • Tvaṃ ca so ca sindhumhi nahāyittha. (Anh và nó đã tắm ở biển).

6. Trong một câu nghi vấn thể, có chủ từ là một nghi vấn đại danh từ, cho dù tiếng chủ từ ấy có tiếng khuếch trương ở ngôi vị nào chăng nữa, thì thuật từ vẫn đặt ở ngôi thứ ba.

Ví dụ:

  • Ahaṃ ca tvaṃ ca ko balavā ahosi? (Tôi và anh, ai có sức mạnh?) ...

# Sự hòa hợp giữa thành phần tính từ khuếch trương và danh từ liên hệ

1. Các tính từ (cả những phân từ) khi làm thành phần khuếch trương cho một danh từ hay đại danh từ, thì phải hòa hợp với danh từ hay đại danh từ ấy về ngữ tính (liṅga), ngữ cách (vibhatti) và ngữ số (vacana).

Ví dụ:

  • Daharo/ migo /mahantamhi/ vanamhi vasi. (Con nai tơ đã sống trong khu rừng lớn).
  • Gacchanto/ puriso tiṇaṃ khādantaṃ/ goṇaṃ coreti. (Gã đàn ông đang đi, đã đánh trộm con bò đang ăn cỏ).
  • Ahaṃ gāme /vasamāno/ satthuno godhesiṃ. (Tôi khi đang sống tại khu làng, đã chiến đấu với kẻ thù).

2. Các tính từ số đếm khi làm khuếch trương cho một danh từ, thì chỉ cần đồng ngữ cách, còn về ngữ tính (liṅga) và ngữ số (vacana) thì tùy theo những con số có cách thức riêng.

Ví dụ:

  • Eko kumāro (một cậu bé).
  • Ekā itthī (một người đàn bà).
  • Ekaṃ cīvaraṃ (một chiếc y).
  • Vīsati / purisā tesaṃ paññāsaṃ arayo yuj-jhanti. (20 người đàn ông chiến đấu với 50 kẻ thù của họ).
  • Imamhi gāme sataṃ gehā bhavissanti. (Trong khu làng này có 100 ngôi nhà).
  • Mayhaṃ dhanaṃ dvīhi corehi corīyati. (Tài sản của tôi bị hai tên trộm đánh cắp).

# Sự hòa hợp giữa tiếng chỉ thị đại danh từ và phiếm chỉ đại danh từ trong câu có mệnh đề liên kết

Tiếng phiếm chỉ đại danh từ trong một mệnh đề tính từ, khuếch trương cho tiếng chỉ thị đại danh từ, thì phải đồng nhất với tiếng chỉ thị đại danh từ ấy về ngữ tính (liṅga) và ngữ số (vacana).

Ví dụ:

  • Ye puññaṃ karonti te sagge nibbattanti. (Những ai làm phước, những người ấy sẽ sanh vào cõi trời).
  • Yo dhammaṃ passati so maṃ passati. (Ai thấy pháp, là người ấy thấy ta).
  • Yo magge gacchati tassa pitā hīyo mari. (Người mà đi trên đường, cha người ấy đã chết hôm qua).
  • Yo me ñāṇaṃ pakittesi pasannena cetasā taṃ ahaṃ kittayissāmi. (Ai đã tán dương trí tuệ của ta bằng tâm thanh tịnh, thời ta khen ngợi kẻ ấy).

# Vị trí của đơn vị cú pháp trong câu

1. Trong văn cú tiếng Pāli không có sự nhất định về vị trí của chủ từ, túc từ và thuật từ trong một câu, vì đã có sự hòa hợp cách vị, nên tìm cũng dễ dàng.

Ví dụ: câu "Puriso rukkhaṃ chindati". (Người đàn ông đốn cây), có thể gặp là: "Puriso chindati rukkhaṃ" hay "Rukkhaṃ chindati puriso" hoặc "Chindati rukkhaṃ puriso", thế mà vẫn không lệch nghĩa.

Trong thí dụ trên, chủ từ là "puriso", túc từ "rukkhaṃ" và thuật từ là "chindati".

2. Những tiếng định tính cho danh từ hay từ tương đương, thường được đặt trước danh từ hay từ tương đương ấy.

Ví dụ:

  • /Mahallako/ puriso /appakaṃ/ odanaṃ bhuñji. (Người đàn ông già cả đã ăn một ít cơm).
  • /So/ dhanavā puññaṃ kātuṃ na icchi. (Kẻ phú gia ấy đã không muốn làm phước).

3. Từ ngữ sở thuộc cách hoặc định sở cách khuếch trương cho một danh từ ... được đặt trước danh từ ấy.

Ví dụ:

  • /Rañño/ parijanā /gāme/ jane pīlesuṃ. (Những tùy tùng của vua đã áp chế dân trong làng).
  • /Vane/ coro /mayhaṃ/ dhanaṃ avahari. (Kẻ trộm trong rừng đã cướp tài sản của tôi).

4. Mệnh đề tính từ khuếch trương cho một tiếng, cũng thường đặt trước tiếng ấy.

Ví dụ:

  • /Yaṃ nissitā jagatiruhaṃ vihaṅgamā/ svāyaṃ aggiṃ pamuñcati. (Cây mà các loại chim nương ở, cây ấy bốc lửa).

5. Cũng có khi mệnh đề tính từ được đặt ở sau.

Ví dụ:

  • Sukhaṃ supanti munayo/ ye itthīsu na baj-jhare/ . (Các vị tu sĩ ngủ được an lạc, là những vị mà không bị buộc ràng đối với phụ nữ).

6. Trong câu đàm thoại, hô khởi ngữ (tiếng hô cách) có thể được đặt ở đầu câu hay ở vào vị trí nào trong câu cũng được.

Ví dụ:

  • Bhante imasmiṃ sāmane kati dhurāni honti. (Bạch ngài, trong giáo lý này có bao nhiêu phận sự?).
  • Āvuso imaṃ temāsaṃ katīhi viriyāpathehi vītināmessatha? (Hỡi chư hiền, các vị sẽ trải qua 3 tháng này với mấy uy nghi?)
  • Passatha nu tumhe bhikkhave amuṃ mahantaṃ aggikkhandhaṃ? (Này chư tỳ kheo, các ngươi có thấy đám lửa to kia không?).
  • Āma samma idān' āhaṃ vihāraṃ gantvā theraṃ disvā āgato' mhi. (Thưa bạn, sau khi tôi đến tịnh xá, khi thấy vị trưởng lão rồi, tôi đã đi về).
  • Kiṃ kathesi bhātika? (Thưa hiền huynh, anh nói gì?).
  • Kathaṃ gato' si āvuso. (Này hiền giả, ông đi đến đâu).

7. Câu nghi vấn thể được diễn đạt bằng cách sử dụng những nghi vấn từ. Tùy theo câu, có thể là sử dụng tiếng nghi vấn tính từ, hoặc nghi vấn đại danh từ, nghi vấn trạng từ hay nghi vấn bất biến từ.

Tiếng nghi vấn tính từ thường được đặt trước danh từ mà nó định tính.

Ví dụ:

  • Tattha katamo rūpakkhandho. (Ở đây sắc uẩn là thế nào?)

Tiếng nghi vấn đại danh từ được đặt ở đầu câu. Tuy nhiên, có khi nghi vấn đại danh từ làm tính từ định tính cho một danh từ, thì lại đặt trước danh từ ấy.

Ví dụ:

  • Ko tattha vasati? (Ai sống ở đấy?).
  • Ko eso' ti (Ai đó?).
  • Ko te upajjhāyo? (Ai là thầy tế độ của ngươi?).
  • Imasmiṃ sāsane /kati dhurāni honti. (Trong giáo lý này có bao nhiêu phận sự?).
  • Imaṃ temāsaṃ katīhi iriyāpathehi vītinā-messatha? (Chư vị sẽ trải qua 3 tháng này với mấy uy nghi?).

Tiếng nghi vấn trạng từ cũng thường được đặt ở đầu câu hay mệnh đề.

Ví dụ:

  • Kittāvatā nu kho bhante upāsakohotī' ti. (Bạch tôn giả, đến mức độ nào mới là người cận sự nam? )
  • Kīva ciraṃ vimānasmiṃ idha vasas' uposa-the? (Này Uposathā, ở đây ngươi sống trong lâu đài bao lâu?)
  • Kuto āgato' si? (Ngươi từ đâu đến?)

Một vài nghi vấn trạng từ trong vai trò làm bổ túc từ cho động từ, thì có thể được đặt trước động từ.

Ví dụ:

  • Kiṃ/ kathesi bhātika? (Thưa hiền huynh, anh nói gì?)
  • Kikimatthāya/ āgato' si? (Ngươi đến vì mục đích gì?)

Tiếng nghi vấn bất biến từ cũng thường đặt ở đầu câu.

Ví dụ:

  • Kacci nu kho' haṃ suññāgāre abhiramāni. (Ta có thích ở nơi tĩnh lặng không?)
  • Nanu te puttena Maṭṭhakuṇḍalinā mayi manaṃ pasādetvā sagge nibbattabhāvo kathito? (Phải chăng sự kiện tái sanh cõi trời nhờ có tín tâm nơi ta, đã được thuật lại do Maṭṭhakuṇḍali, con trai ông?)

Cũng có khi tiếng nghi vấn bất biến từ đặt ở vị trí thứ hai trong câu.

Ví dụ:

  • Gato nu Cittakūtaṃ vā Keḷāsaṃ vā Yugan-dharaṃ vā? (Có phải nó đã đến núi Cittakūta hay Keḷāsa hoặc Yugandhara?)
  • Passatha nu tumhe bhikkhave amuṃ ma-hantaṃ aggikkhandhaṃ? (Này chư Tỳ kheo, các ngươi có thấy đám lửa lớn kia không?)

Câu nghi vấn thể đôi khi không sử dụng nghi vấn từ, mà lại diễn tả bằng cách đặt tiếng hô khởi ngữ ở đầu câu.

Ví dụ:

Bho pabbajita amhākaṃ gehaṃ agamatthā'ti? (Hỡi vị xuất gia! Ngài đã đến nhà chúng tôi chưa?)

8. Những tiếng trạng từ chỉ thời gian và trạng từ chỉ ý kiến, rất thường được đặt ở đầu câu hay mệnh đề.

Ví dụ:

  • Aciraṃ vat' ayaṃ kāyo paṭhaviṃ adhisessati. (Ôi! chẳng bao lâu, thân này sẽ nằm dài dưới đất).
  • Ajja me uposatho paṇṇaraso. (Hôm nay ngày rằm là ngày trai giới của tôi).
  • Aññadatthu sissaṃ Mūsilaṃ ādariya tvaṃ eva jessati. (Chắc chắn, thưa giáo sư, ngài sẽ thắng đứa học trò Mūsila).
  • Itthaṃ sudaṃ bhagavā āyasmantaṃ Rāhulaṃ imāhi gāthāhi abhiṇhaṃ ovadati. (Chính cách ấy, Ðức Thế Tôn giáo giới Tôn giả Ràhula liên tục bằng những kệ ngôn này).

9. Những cảm thán từ cũng thường được đặt ở đầu câu.

Ví dụ:

  • Aho imasmiṃ loke ayuttaṃ vattati. (Than ôi! sự bất công dẫy đầy trong thế gian này).
  • Hā! hato'smi. (Ôi! tôi chết mất).

10. Các bất biến từ như "sace", "yadi" (nếu) cũng thường được đặt ở đầu câu.

Ví dụ:

  • Sace me antarāyo natthi sattāhabbhantare ahaṃ puna nivattissāmi. (Nếu không có sự tai hại đến tôi, thì tôi sẽ trở lại trong khoảng bảy ngày).
  • Yadi saṅghassa pattakallaṃ saṅgho uposa-thaṃ kareyya. (Nếu cơ hội đã đến cho Tăng rồi, thì Tăng nên hành lễ Bố-tát đi).

11. Các bất biến từ "ce" (nếu), "ca" (và, với), "vā" (hoặc là, hay là) không được đặt ở đầu câu.

Ví dụ:

  • Pāpañ ce puriso kayirā na taṃ kayirā punappunaṃ. (Nếu người có làm điều ác rồi, thì chẳng nên làm điều ấy thêm nữa).
  • Byaggho ca sīho ca ekavane saṃvasituṃ na sakkonti. (Hổ và sư tử không thể chung sống trong một khu rừng).
  • Evañ ca pana bhikkhave imaṃ sikkhāpa-daṃ uddiseyyātha. (Và như vậy, này chư Tỳ kheo, các ngươi nên xiển thuật học giới này).
  • So khādanīyaṃ vā bhojanīyaṃ vā khādey-ya vā bhuñjeyya vā. (Vị ấy nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm).

12. Một câu có mệnh đề chính và mệnh đề phụ, thì mệnh đề phụ thường được đặt trước mệnh đề chính.

Ví dụ:

  • /Yathā me dhanacchedo na hoti/ tathā karis-sāmi. (Như thế nào mà không mất mát tài sản của tôi, thì tôi sẽ làm theo thế ấy).
  • /Yāvā' haṃ āgamissāmi/ tāva idh'eva tiṭṭhāhi. (Hãy đứng ở đây cho đến khi tôi trở lại).
  • /Yadā te vivadissanti/ tadā chinti me vasaṃ. (Khi nào họ còn tranh chấp nhau, thì khi ấy họ sẽ phải chịu dưới quyền hạn của ta).
  • /Yattha Bhagavā dhammaṃ deseti / tattha mahājano sannipatati. (Chỗ nào Ðức Thế Tôn thuyết pháp, chỗ ấy đại chúng tụ họp lại).

Ðôi khi cũng có trường hợp mệnh đề phụ đứng sau mệnh đề chính.

Ví dụ:

  • Apasakka tāva bhagini/ yāva bhikkhū bhuñjanti/. (Này bà chị, hãy tránh đi cho đến khi chư Tỳ kheo thọ thực xong).

# Mệnh đề

Ðịnh nghĩa

  • Mệnh đề là một câu mà nó là thành phần của một câu lớn.
  • Mệnh đề là một câu mà tự nó không tạo thành một ý nghĩa đầy đủ.
  • Mệnh đề là một nhóm từ ngữ tạo nên thành phần của một câu và trong đó có một động từ giới hạn.

Tóm lại, mệnh đề là một thành phần câu rộng rãi, trong đó hàm chứa một động từ đã chia. Một câu đơn giản (chỉ gồm một chủ từ và một thuật từ) không được gọi là một mệnh đề.

# Các loại mệnh đề

# Nói theo hình thức

Mệnh đề tiếng Pāli nói theo hình thức thì có 2 loại là: mệnh đề chínhmệnh đề phụ.

Trong một câu phức, ít ra phải có một mệnh đề chính và một mệnh đề phụ.

Một câu khi có mệnh đề phụ, thì phần câu còn lại sẽ là mệnh đề chính.

  • Mệnh đề chính là mệnh đề tạo thành ý nghĩa chính cho câu; nó có thể đứng riêng mà vẫn có ý nghĩa đầy đủ và còn được gọi là mệnh đề độc lập.
  • Mệnh đề phụ là mệnh đề có ý nghĩa làm phụ thuộc cho mệnh đề chính. Mệnh đề phụ không thể đứng độc lập để tạo thành câu có ý nghĩa xác đáng.

Ví dụ:

Sace me antarāyo natthi sattāhabbhantare ahaṃ puna nivattissāmi. (Nếu không có sự tai hại đến tôi, tôi sẽ trở lại trong khoảng bảy ngày).

Trong thí dụ trên, câu có hai mệnh đề: chính và phụ. Mệnh đề chính của câu là: Sattāhabbhantare ahaṃ puna nivattissāmi. (Tôi sẽ trở lại trong khoảng bảy ngày).

Mệnh đề phụ của câu là: Sace me antarāyo natthi. (Nếu không có sự tai hại đến tôi).

# Nói theo ý nghĩa

Mệnh đề tiếng Pāli nói theo ý nghĩa thì gồm có 3 loại:

  • Mệnh đề danh từ nāmavakyaṅga.
  • Mệnh đề tính từ guṇavakyaṅga.
  • Mệnh đề trạng từ lakkhakavakyaṅga.

1. Mệnh đề danh từ là một mệnh đề có vai trò như một danh từ, nó thay thế danh từ để làm chủ từ hay túc từ.

Ví dụ:

  • Saccaṃ kira tvaṃ Nanda sambahulānaṃ bhikkhūnaṃ evaṃ ārocesi? (Này Nanda, có thật chăng ngươi đã trình bày như vậy với nhiều vị Tỳ kheo?)

Trong thí dụ trên, mệnh đề danh từ là "Tvaṃ Nanda sambahulānaṃ bhikkhūnaṃ evaṃ ārocesi"

Cả mệnh đề này thay thế danh từ, làm chủ từ của câu. Nếu hỏi: sự việc gì mà bị chất vấn, có thật chăng, thì tất phải nói: sự việc mà ngươi đã trình bày như vậy đến nhiều vị Tỳ kheo" (tvaṃ Nanda sambahulānaṃ bhikkhūnaṃ evaṃ ārocesi).

Vì vậy đoạn này là mệnh đề danh từ. Và ở đây từ ngữ "Saccaư kira (hoti) " (có thật chăng) là thuật từ của câu vậy.

  • Satthā tato pi Jīvakambavanaṃ gantu-kāmo tattha maṃ nethā' ti āha. (Bậc đạo sư sau đó muốn đi đến rừng xoài của Jìvaka, đã nói rằng: "Hãy đưa ta đến đấy).

Nếu đặt vấn đề: Bậc đạo sư nói gì? thì sẽ được trả lời: đã nói "Hãy đưa ta đến đấy". (Tattha maṃ netha). Vậy đoạn: "tattha maṃ netha" là mệnh đề danh từ vì thay thế danh từ làm túc từ cho thuật từ "āha" (đã nói).

2. Mệnh đề tính từ là một mệnh đề có vai trò như một tính từ, nó thay thế tính từ để bổ nghĩa hay khuếch trương cho chủ từ hoặc túc từ hoặc một từ nào trong câu.

Ví dụ:

  • Sukhaṃ supanti munayo ye itthīsu na bajjhare. (Những vị tu sĩ ngủ được an lạc, là những vị mà không bị buộc ràng với phụ nữ).

Ví dụ trên, đoạn "ye itthīsu na bajjhare" (là những vị mà không bị buộc ràng với phụ nữ) là mệnh đề tính từ, vì nó bổ túc ý nghĩa cho chủ từ "munayo" (các tu sĩ). Nếu hỏi: "Các vị tu sĩ là người thế nào mà ngủ được an lạc", thì sẽ được trả lời: "là những vị mà không bị buộc ràng đối với phụ nữ" (ye itthīsu na bajjhare).

  • Yaṃ nissitā jagatiruhaṃ vihaṅgamā svā-yaṃ aggiṃ pamuñcati. (Các loài chim nương ở cây nào, cây ấy bốc lửa).

Ví dụ trên, đoạn "yaṃ nissitā jagatiruhaṃ vihaṅgamā" (các loài chim nương ở cây nào) là một mệnh đề tính từ, vì nó khuếch trương cho chủ từ "svāyaṃ" (cây ấy). Nếu đặt vấn đề: cây ấy bốc lửa, là cây gì?, sẽ được đáp: "cây mà các loài chim nương ở" (yaṃ nissitā jagatiruhaṃ vihaṅ-gamā).

  • Yo me ñāṇaṃ pakittesi pasannena cetasā taṃ ahaṃ kittayissāmi. (Ai tán dương trí tuệ của ta với tâm thanh tịnh, ta khen ngợi kẻ ấy).

Ví dụ trên, đoạn "yo me ñāṇaṃ pakittesi pasannena cetanā". (Ai tán dương trí tuệ của ta với tâm thanh tịnh), ấy là mệnh đề tính từ vì đó khuếch trương cho túc từ "taṃ" (kẻ ấy). Nếu hỏi: khen ngợi kẻ ấy là ai? ", sẽ được trả lời: là người mà tán dương trí tuệ của ta với tâm thanh tịnh (yo me ñāṇaṃ pakittesi pasannena cetasā".

3. Mệnh đề trạng từ là một mệnh đề có vai trò như một trạng từ, nó thay thế trạng từ để khuếch trương cho thuật từ trong câu.

Mệnh đề trạng từ có nhiều hình thức, tùy theo ý nghĩa vai trò của nó. Gồm có:

  • Mệnh đề trạng từ chỉ thời gian.
  • Mệnh đề trạng từ chỉ nơi chốn.
  • Mệnh đề trạng từ chỉ sự so sánh.
  • Mệnh đề trạng từ chỉ cách thức.
  • Mệnh đề trạng từ chỉ lý do hay mục đích.
  • Mệnh đề trạng từ chỉ mức độ.
  • Mệnh đề trạng từ chỉ điều kiện hay hậu quả.

Mệnh đề trạng từ chỉ thời gian là một đoản cú thay thế trạng từ trong ý nghĩa chỉ thời điểm đã xảy ra hành động. Mệnh đề này được giới hạn bằng một trạng từ chỉ thời gian, cũng có thể bằng một bất biến quá khứ phân từ, hay bằng một từ ngữ ở đối cách, sở dụng cách, định sở cách, trong ý nghĩa chỉ thời gian.

Ví dụ:

  • Purā āgacchante etaṃ anāgataṃ mahab-bhayaṃ subacā hotha sakhilā aññamaññaṃ sagāravā. (Trước khi xảy đến nỗi đại kinh hoàng vị lai đó, các ngươi hãy nhu thuận, hiền hòa và tôn trọng lẫn nhau).
  • Ahaṃ odanaṃ pacitvā bhuñjiṃ. (Sau khi nấu cơm, tôi đã ăn).
  • Ekaṃ samayaṃ Bhagavā Sāvatthiyaṃ viharati. (Vào một thuở, Ðức Thế Tôn trú ngụ tại Sāvatthi).
  • Tena kho pana samayena Nigrodho pari-bbājako mahatiyā paribbājakaparisāya saddhiṃ nisinno hoti. (Vào lúc ấy, du sĩ Nigrodha đang ngồi với đại hội chúng du sĩ).
  • Rājūsu attano attano raṭṭhesu carantesu bahusevakā setacchattādīni gahetvā te anugacchanti. (Trong khi các vị vua du ngoạn trong xứ sở của chính họ thì có nhiều kẻ hầu cận cầm lấy những tàn lọng trắng đi theo các vị ấy).

Mệnh đề trạng từ chỉ nơi chốn là một đoản cú thay thế trạng từ trong ý nghĩa chỉ về địa điểm xảy ra hành động ... Mệnh đề trạng từ chỉ nơi chốn được giới hạn bằng một trạng từ chỉ nơi chốn hay một bất biến từ, hoặc cũng có thể được giới hạn bằng từ ngữ ở định sở cách trong ý nghĩa chỉ nơi chốn.

Ví dụ:

  • Maññe sovaṇṇayo rāsī soṇṇamālā ca Nan-dako yattha dāso āmajāto ṭhito thullāni gajjati. (Tôi nghĩ rằng, Nandaka có đống vàng và vòng hoa vàng, tại nơi mà tên nô lệ thuở sơ sanh đã đứng gào lên những tiếng thô bỉ).
  • Tassa gamanamagge ... supaṇṇapotakā sa-muḍḍapiṭṭhe parivattantā mahāravaṃ raviṃsu. (Trên đường bôn tẩu của vị ấy ... các con chim supaịịa đang nhào lộn trên mặt biển đã kêu lên tiếng kêu lớn).

Mệnh đề trạng từ chỉ sự so sánh là một đoản cú được giới hạn bằng một tiếng tỷ giảo bất biến từ, chỉ ý nghĩa so sánh.

Ví dụ:

  • Tato naṃ dukkhaṃ anveti cakkam' va vahato padaṃ. (Rồi đó, sự khổ đau theo nó, ví như bánh xe theo chân con vật kéo).
  • Vassikā viya pupphāni maddavāni pamuñ-cati evaṃ rāgañca dosañca vippamuñcetha bhik-khavo. (Giống như hoa lài lìa bỏ những cánh tàn úa, cũng thế, hỡi chư Tỳ kheo, các ngươi hãy lìa bỏ tham và sân).

Mệnh đề trạng từ chỉ cách thức là một đoản cú với ý nghĩa trình bày cách thức của hành động. Mệnh đề này được giới hạn bằng một trạng từ hay bất biến từ, hoặc có thể bằng từ ngữ ở hình thức sở dụng cách.

Ví dụ:

  • Yathā me dhanacchedo na hoti tathā karis-sāmi. (Theo cách nào mà không hư hoại tài sản của tôi, thì tôi sẽ làm theo cách ấy).
  • Dānaveyyāvaṭiko pi paṇṇe āropitaniyāmen' eva tesaṃ tesaṃ gehāni bhikkhū pahini. (Người quản đốc thí đã gởi các vị Tỳ kheo đến những tư gia của họ tùy theo sự đăng ký trong bảng).

Mệnh đề trạng từ chỉ lý do hay mục đích là một đoản cú có ý nghĩa chỉ nguyên nhân mà hành động xảy ra. Mệnh đề này được giới hạn bằng một trạng từ hay bất biến từ, cũng có thể bằng một vị biến cách, hay bằng từ ngữ ở hình thức chỉ định cách với ý nghĩa "vì, để ...".

Ví dụ:

  • "Yato ca so bahutaraṃ bhojanaṃ ajjhu-pāhari tato tatth' eva samsīdi amattaññū hi so ahu" (Vì rằng nó đã ăn quá nhiều vật thực nên nó đã quỵ tại đấy. Nó thật là người vô độ).
  • Ahaṃ odanaṃ pacituṃ aggiṃ jālemi. (Tôi đun lửa để nấu cơm).
  • Ayaṃ seṭṭhī bhagavantaṃ dassanāya icchati. (Ông trưởng giả này mong yết kiến Ðức Thế Tôn).
  • Kiṃ atthāya āgato'si. (Anh đến vì mục đích gì).

Mệnh đề trạng từ chỉ mức độ là một đoản cú mang ý nghĩa giới hạn một sự kiện của hành động. Mệnh đề này được dẫn nhập bằng một trạng từ hay bất biến từ.

Ví dụ:

  • Yāva so mattaṃ aññāsi bhojanasmiṃ vihaṅgamo tāva addhānaṃ āpādi mātarañca apasayī. (Chừng nào con chim ấy biết tiết độ trong vật thực, chừng ấy nó đã chịu đựng được đường xa và nuôi mẹ được).

Mệnh đề trạng từ chỉ điều kiện hay hậu quả, được giới hạn bằng một trạng từ hay bất biến từ chỉ điều kiện.

Ví dụ:

  • Sace yujjhitukāmo' si jayaṃ samma dadāmi te. (Này bạn, nếu bạn muốn chiến đấu, thì tôi dành cho bạn phần chiến thắng).
  • Khamati saṅghassa tasmā tuṇhī. (Ðược bằng lòng đến Tăng rồi, do đó mới im lặng).

# Sự dẫn nhập của mệnh đề

Mệnh đề có 3 loại như đã được nói đến. Muốn nắm vững để phân tích, cần phải hiểu sự dẫn nhập của mệnh đề.

Qua những ví dụ đã nêu trên, ta thấy rằng:

1. Mệnh đề danh từ được dẫn nhập bằng bất biến từ "iti" (rằng, như vầy), đôi khi cần được hiểu ngầm.

Ví dụ:

  • Satthā tato pi Jīvakambavanaṃ gantukāmo tattha maṃ nethā' ti āha. (Bậc đạo sư sau đó muốn đi đến rừng xoài của Jìvaka, ngài đã nói rằng: Hãy đưa ta đến đấy).
  • Saccaṃ kira tvaṃ Nanda sambahulānaṃ bhikkhūnaṃ evaṃ ārocesi. (Có thật chăng, này Nanda, (là) ngươi đã trình bày như vậy cho nhiều vị Tỳ kheo).

Ở ví dụ trên, câu mệnh đề được dẫn nhập bằng tiếng "iti" (là) hiểu ngầm.

2. Mệnh đề tính từ được dẫn nhập bằng tiếng liên quan đại danh từ (hay phiếm chỉ đại danh từ).

Ví dụ:

  • Sukhaṃ supanti munayo ye itthīsu na bajjhare. (Các vị tu sĩ ngủ được an lạc, là những vị mà không bị ràng buộc đối với phụ nữ).
  • Yo me ñāṇaṃ pakittesi pasannena cetasā taṃ ahaṃ kittayissāmi. (Ai tán dương trí tuệ của ta với tâm thanh tịnh, ta khen ngợi kẻ ấy).

3. Mệnh đề trạng từ được dẫn nhập bằng tiếng trạng từ hay bất biến từ, đôi khi cần được hiểu ngầm.

Ví dụ:

  • Yathā me dhanacchedo na hoti tathā karis-sāmi. (Như thế nào mà không mất mát tài sản của tôi, tôi sẽ làm theo thế ấy).

Ở đây tiếng "yathā" (cặp: yathā tathā) là tiếng dẫn nhập cho mệnh đề trạng từ trong câu này.

  • Yadà te vivadissanti tadà chindati me vasaṃ. (Khi nào chúng còn tranh chấp, khi ấy chúng còn chịu ở dưới quyền hạn của ta).

Ở đây tiếng "yadā" (cặp: yadā tadā) là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ của câu này.

  • Yattha bhagavā dhammaṃ deseti tattha mahājano sannipatati. (Tại đâu Ðức Thế Tôn thuyết pháp, thì tại ấy đại chúng tụ họp lại).

Ở đây tiếng "yattha" (cặp: yattha ... tattha) là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ trong câu này.

  • Yato ca so bahutaraṃ bhojanaṃ ajjhupāhari tato tatth' eva saṃsīdi mattaññū hi so ahu. (Vì rằng nó đã ăn quá nhiều vật thực, do đó nó đã quỵ tại đấy. Nó thật là người vô độ).

Ở đây tiếng "yato" (cặp: yato ... tato) là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ trong câu này.

  • Yāvā' haṃ āgamissāmi tāva idh'eva tiṭṭhāhi. (Hãy đứng ở đây cho đến khi tôi trở lại).

Ở đây tiếng "yāva" (cặp: yāva tāva) là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ của câu này.

  • Yāvatihaṃ jānaṃ paṭicchādeti tāvatihaṃ tena bhikkhunā akāmāparivatthabbaṃ. (Vì biết mà che giấu cho đến bao nhiêu ngày, thì với vị Tỳ kheo ấy cần được biệt trú bấy nhiêu ngày, dù không muốn).

Ở đây "yāvatihaṃ" (cặp: yāvatihaṃ ... tāvati-haṃ) và tiếng "yāvatihaṃ" (tāvatihaṃ) là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ trong câu này.

  • Sabbe saṅkhārā aniccā' ti yadā paññāya passati atha nibbindati dukkhe ... (Khi nào với trí tuệ thấy rõ rằng: "mọi pháp hành là vô thường", thì sẽ chán ngán trong sự khổ).

Ở đây tiếng "yadā" (cặp: yadā ... atha) là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ trong câu này.

  • Sace yujjhitukāmo'si jayaṃ samma dadāmi te. (Này bạn, nếu bạn muốn chiến đấu, tôi sẽ dành cho bạn phần chiến thắng).

Ở đây tiếng "sace" là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ trong câu này.

  • Tato naṃ dukkhaṃ anveti cakkaṃ' va vahato padaṃ. (Từ đó đau khổ theo nó ví như bánh xe theo chân con vật kéo).

Ở đây là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ trong câu này.

  • Vassikā viya pupphāni maddavā ni pamuñcati evaṃ rāgañca dosañca vippamuñcetha bhikkhavo. (Như hoa lài rời bỏ những cánh hoa tàn úa, cũng thế ấy, hỡi các Tỳ kheo, hãy lìa bỏ tham và sân).

Ở đây tiếng "viya" (cặp: viya ... evaṃ) là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ trong câu này.

  • Seyyathāpi nāma puriso sīsacchinno abhabbo tena sarīrabandhanena jīvituṃ evameva bhikkhu methunaṃ dhammaṃ paṭisevitvā assamaṇo hoti asakyaputtiyo. (Cũng ví như người bị đứt đầu không thể còn sống với phần thân thể còn lại, cũng thế ấy, vị Tỳ kheo khi đã hành điều dâm dục thì thành phi Sa-môn, phi Vích tử).

Ở đây tiếng "seyyathāpi" (cặp: seyyathāpi ... evameva) là tiếng dẫn nhập mệnh đề trạng từ trong câu này.

*Bhagavantamhi Jetavanavihāre viharante sam-bahulā kulaputtā arahattaṃ pāpuṇiṃasu. (Khi Ðức Thế Tôn trú tại Tịnh xá Jetavana, có nhiều nam tử đã đạt thành quả vị A-la-hán).

Ở đây trong câu có mệnh đề trạng từ là "Bhagavantamhi Jetavanavihāre viharante" được dẫn nhập bằng tiếng trạng từ "yadā" (khi mà) hiểu ngầm.

# Mệnh đề khuếch trương

Có 3 loại mệnh đề như đã nói ở trên.

  1. Ở đây mệnh đề danh từ không là thành phần khuếch trương cho đơn vị cú pháp nào cả, vì nó chỉ có phận sự thay thế danh từ để làm chủ từ hoặc túc từ của câu.
  2. Về mệnh đề tính từ thì trở thành khuếch trương cho chủ từ hay túc từ.
  3. Phần mệnh đề trạng từ luôn luôn là khuếch trương cho thuật từ.

# Dịch câu trong Pāli

Tiếng Pāli là thứ tiếng cổ xưa, nên giọng văn giản dị, khô khan ... Chính đó là điểm khó cho người dịch thuật.

Nếu dịch sát nguyên văn, thì có khi gặp phải nghĩa khó nghe; bằng như dịch quá thoát, thì e làm mất đi nguyên ý của lời văn trong kinh điển.

Dịch văn Pāli là một nghệ thuật; mà nghệ thuật thì đòi hỏi năng khiếu vận dụng và trình độ sáng tạo, óc uyển chuyển ở người dịch hơn là theo sự chỉ dẫn. Bởi thế người dịch phải nên tùy cơ uyển chuyển mà dịch. Trong lúc dịch văn Pāli phải tôn trọng nguyên tắc văn phạm Pāli, song cũng cần ứng dụng cho xuôi chiều với lối văn Việt ngữ; nhưng chỉ vừa mức thôi chớ không nên vượt quá xa!

Tưởng nên nói thêm rằng nếu chỉ dẫn cách dịch văn Pāli trong một phạm vi có giới hạn như ở đây, thì chắc chắn không được chu đáo, toàn diện.

Tuy nhiên, ta cũng có thể theo sự hướng dẫn cách dịch văn Pāli thông qua một số nguyên tắc chung, rồi từ đó khai triển thêm ra.

Sau đây là những nguyên tắc chung áp dụng khi dịch văn Pāli

# Quan sát câu

Muốn dịch một đoạn văn hay bài văn tiếng Pāli, hãy dịch từng câu, nhưng trước hết phải quan sát câu văn, xem có những loại câu nào, để biết mà dịch.

Văn tiếng Pāli có 3 loại câu:

  • Câu đơn giản.
  • Câu phức tạp.
  • Hợp cú.

# 1. Câu đơn giản

Câu đơn giản là một câu trong đó chỉ có một chủ từ và một thuật từ.

Ví dụ:

  • Puriso khettaṃ kasati. (Người đàn ông cày ruộng).
  • Na pupphagandho paṭivātaṃ eti. (Hương của hoa không bay ngược gió).
  • Ko na sammohaṃ āpādi. (Ai đã đạt đến chỗ không còn vọng tưởng).

# 2. Câu phức tạp

Câu phức tạp là loại câu trong đó gồm có nhiều câu đơn giản tạo nên; nói rõ hơn, là loại câu có chứa đựng câu chính và câu phụ.

Ví dụ:

  • Sac' āhaṃ gehaṃ gamissāmi mātāpitaro maṃ tajjessanti. (Nếu ta về nhà, thì mẹ cha sẽ quở rầy ta).

Ở đây, đoạn "mātāpitaro maưtajjessanti" là câu chính của câu phức tạp, còn lại là câu phụ.

  • Yāva so mattaṃ aññāsi bhojanasmiṃ vihaṅ-gato tāva addhānaṃ āpādī mātarañca aposayī. (Chừng nào con chim ấy biết tiết độ trong sự ăn uống, thì chừng ấy nó đã trải đường xa và nuôi dưỡng mẹ được).

Ở đây, đoạn "tāva addhānaṃ āpādī mātarañca aposayī" là câu chính của câu phức tạp; còn lại là câu phụ.

# 3. Hợp cú

Hợp cú là một đoạn văn gồm hai hay nhiều câu đơn giản hoặc câu phức tạp nối nhau bằng một liên từ.

Ví dụ:

  • Thero Mūlasiriṃ pakkosāpesi atha mahājana-kāyo sannipati. (Vị trưởng lão cho gọi Mùlasiri; rồi đại chúng tụ họp lại).

Ví dụ trên có hai câu đơn giản được liên kết bởi liên từ "atha", không có câu nào phụ thuộc câu nào, nhưng về ý nghĩa thì liên kết.

  • Sac' assa gehadvāraṃ gamissāmi imassa bhariyā maṃ daṭṭhuṃ na sakkhissati yāv' assa bhattaṃ ādāya maggaṃ paṭipajjati tāva idh' eva bhavissāmi. (Nếu tôi đến cổng nhà của ông ta, thì bà vợ của ông ta sẽ không thể thấy tôi, tôi sẽ ở đây cho đến khi ông ta lấy vật thực và lên đường).

Ví dụ trên có hai câu phức tạp được liên kết bởi biến từ "tasmā" (hiểu ngầm) .

Ðó là 3 loại câu mà ta sẽ thường gặp trong văn tiếng Pāli hãy quan sát trước để phân tích rồi dịch.

# Tìm đơn vị cú pháp

# Ðơn vị cú pháp gồm có

  • Chủ từ (kattu).
  • Thuật từ (kiriyā).
  • Túc từ (kamma).

Chủ từ của câu có thể là một danh từ chủ cách hay một tính từ chủ cách dùng như danh từ hoặc một đại danh từ, một danh động từ, một hợp từ, một đoản cú, cũng có thể là một mệnh đề danh từ.

Thuật từ của câu là một động từ hay tiếng tương đương động từ.

Túc từ của câu cũng như chủ từ, nghĩa là có thể là một danh từ đối cách, hay một tính từ đối cách được dùng như danh từ, hoặc một đại danh từ, một danh động từ, một hợp từ, một đoản cú, cũng có thể là một mệnh đề danh từ.

# Những đơn vị cú pháp khác

Ngoài những đơn vị cú pháp căn bản trên, còn có:

  • Thành phần khuếch trương chủ từ.
  • Thành phần khuếch trương thuật từ.
  • Thành phần khuếch trương túc từ.

Cần phải quan sát và nắm vững các thành phần đơn vị cú pháp có trong câu, ta mới có thể dịch được dễ dàng.

# Vài điểm cần lưu ý

1. Ở mỗi câu đơn giản đều có chủ từ và thuật từ, túc từ có thể có, có thể không.

Ví dụ:

  • Mayhaṃ pitā sayi. (Cha tôi đã ngủ).

Ở đây chủ từ câu đơn giản trên là "pitā" và thuật từ là "sayi".

  • Kassako khettaṃ kasati. (Người nông phu cày ruộng).

Ở đây chủ từ câu là "kassako", thuật từ là "kasati", túc từ là "khettaṃ".

  • Satthā tato pi Jīvakambavanaṃ gantukāmo tattha maṃ nethā'ti āha. (Bậc Ðạo sư, sau đó muốn đi đến rừng xoài của Jīvaka, Ngài đã nói rằng: "Hãy đưa ta đến đấy!").

Ở đây mệnh đề danh từ "satthā tato pi Jīva-kambavanaṃ gantukāmo" là chủ từ của câu, mệnh đề danh từ "tattha maṃ nethā' ti" là túc từ của câu, và ''āha" là thuật từ của câu.

2. Trong mỗi câu phụ và câu chính của câu phức tạp cũng đều có chủ từ, thuật từ, và có thể có cả túc từ.

Ví dụ:

  • Sace ahaṃ gehaṃ gamissāmi mātāpitaro maṃ tajjessanti. (Nếu ta về nhà thì mẹ cha sẽ quở rầy ta).

Ở đây câu chính là "mātāpitaro maṃ tajjes-santi"; có chủ từ là "mātāpitaro", thuật từ là "tajjes-santi", túc từ là "maṃ". Câu phụ là "Sace ahaṃ gehaṃ gamissāmi"; có chủ từ là "ahaṃ", thuật từ là "gamissāmi", túc từ là "gehaṃ".

3. Ðến như ở các mệnh đề danh từ, mệnh đề tính từ và mệnh đề trạng từ cũng có thể có chủ từ, thuật từ và cả túc từ.

Ví dụ:

  • Saccaṃ kira tvaṃ Nanda sambahulānaṃ bhikkhūnaṃ evaṃ ārocesi? (Này Nanda, có thật chăng là ngươi đã trình bày như vậy đến nhiều vị Tỳ kheo).

Ở đây có mệnh đề danh từ là "tvaṃ Nanda sambahulānaṃ bhikkhūnaṃ evaṃ ārocesi". Mệnh đề này có chủ từ là "tvaṃ"; thuật từ là "ārocesi" và túc từ là "sambahulānaṃ bhikkhūnaṃ evaṃ".

  • Sukhaṃ supanti munayo ye itthīsu na baj-jhare. (Những vị ẩn sĩ ngủ an lạc, là những vị mà không bị buộc ràng đối với phụ nữ).

Ở đây có mệnh đề tính từ là "ye itthīsu na bajjhare". Chủ từ của mệnh đề là "ye"; thuật từ là "bajjhare"; túc từ là "itthīsu".

  • Maññe soraṇṇayo sārī soṇṇamāla ca Nandako yattha dāso āmajāto ṭhito thullāni gajjati. (Tôi nghĩ rằng Nandaka có đống vàng và vòng hoa vàng, tại nơi mà người nô lệ thuở sơ sanh đã đứng gào lên những tiếng thô bỉ).

Ở đây có mệnh đề trạng từ là "yattha dāso āmājāto thito thullāni gajjati". Chủ từ của mệnh đề là "dāso"; thuật từ là "gajjati"; túc từ là "thullāni".

# Tìm tiếng bất biến từ

Một nguyên tắc khác nữa là khi dịch một câu hay một đoạn văn tiếng Pāli, hãy xem xét trong câu có tiếng bất biến từ nào chăng, để ứng dụng.

Tiếng bất biến từ gồm các loại sau:

  • Trạng từ, là tiếng hỗ trợ thuật từ ... có thể là trạng từ chỉ thời gian, trạng từ chỉ nơi chốn, trạng từ chỉ thể cách, trạng từ chỉ ý kiến, trạng từ chỉ mức độ, trạng từ chỉ nghi vấn, ngoài ra còn có những từ ngữ, hoặc đoản cú hay mệnh đề có vai trò tương đương trạng từ, và do đó cũng kể đó là những trạng từ.
  • Liên từ, là những tiếng có vai trò liên kết giữa các từ hay giữa các mệnh đề hoặc giữa các câu.
  • Giới từ, là những tiếng có nghĩa chỉ sự tương quan giữa một tiếng với túc ngữ của nó.
  • Nghi vấn từ, là tiếng tạo thành câu nghi vấn thông thường.
  • Thán từ, là những tiếng dùng bộc lộ tâm lý, làm nổi bật câu, gồm có giao thán từ (tiếng xưng hô kêu gọi) và cảm thán từ (tiếng thảng thốt bộc lộ tình cảm).

Phải tìm xem trong câu có tiếng bất biến từ loại nào để dịch, vì vai trò của mỗi loại bất biến từ khác nhau, nên có tiếng phải dịch trước có tiếng phải dịch sau.

# Mẹo dịch

Một số mẹo dịch câu ứng dụng để lấy làm tiêu chuẩn.

1. Phải dịch tiếng chủ từ trước, mới đến thuật từ, rồi túc từ.

Ví dụ:

  • Itthī odanaṃ pacati. (Người đàn bà nấu cơm).
  • Puriso rukkhaṃ chindati. (Người đàn ông đốn cây) ...

2. Câu có thuật từ là động từ mệnh lệnh cách (pañcamī) trong ý nghĩa truyền lệnh, đôi khi được dịch trước.

Ví dụ:

  • Ehi bhikkhu. (Hãy đến! Hỡi vị Tỳ kheo).
  • Āyāma' Ānanda Vesāliṃ gacchissāma. (Hãy đi, hỡi Ānanda, chúng ta sẽ đến Vesāli) ...

3. Trường hợp có thành phần khuếch trương cho từ ngữ nào thì nên dịch phần ấy tiếp theo từ ngữ đó.

Ví dụ:

  • Mayhaṃ balavā / bhātā / tikkiṇena / pharasunā / mahantaṃ / rukkhaṃ chindi. (Người anh lực lưỡng của tôi đã đốn cây lớn bằng chiếc búa sắc bén).

4. Thành phần khuếch trương cho thuật từ, nếu là tiếng trạng từ hay từ ngữ có ý nghĩa chỉ thời gian mà đặt ở đầu câu hay đầu mệnh đề, thì dịch trước tiên đối với câu hay mệnh đề đó.

Ví dụ:

  • Ajja te nagaraṃ gacchanti parasuve aham-pi gacchāmi. (Hôm nay họ đi đến thành phố, ngày mốt tôi mới đi).
  • Tena samayena Buddho Bhagavā Uruve-lāyaṃ viharati. (Vào thời ấy, Ðức Thế Tôn, bậc Giác Ngộ trú tại Uruvelà).
  • Vipassīdasabalassa kālasmiṃ hi mahekasa-ṭakabrāhmano nāma ahosi. (Thật thế, vào thời kỳ đấng Thập Lực Vipassī, có người Bà-la-môn Mahe-kasāṭaka).

5. Thành phần khuếch trương cho thuật từ, nếu là tiếng trạng từ hay từ ngữ có ý nghĩa chỉ nơi chốn mà đặt ở đầu câu hay đầu mệnh đề, thì cũng nên dịch trước tiên đối với câu hay mệnh đề đó.

Ví dụ:

  • Tattha ayaṃ rājā sukhaṃ jīvi. (Tại đấy đức vua này đã sống an lạc).
  • Aññatare janapade māṇavo seṭṭhiputto ahosi. (Tại xứ nọ, có chàng thanh niên là con trai ông trưởng giả).

6. Trong câu có nhiều tiếng bất biến quá khứ phân từ, thì phải dịch theo thứ tự trước sau.

Ví dụ:

  • So mātāpitaro tathā vovarantepi corasad-daṃ karonto koṭṭetvā māretvā aṭaviyaṃ khipitvā paccāgami. (Người ấy, dù cha mẹ kêu gào như thế vẫn làm tiếng kẻ cướp, rồi đánh túi bụi, giết chết, xong ném vào trong rừng và trở về).

7. Trong câu có tiếng vị biến cách (nguyên mẫu), vì là bổ túc từ cho động từ, nên phải dịch sau thuật từ.

Ví dụ:

  • Te maṃ daṭṭhuṃ na sakkonti. (Họ không thể thấy tôi).
  • Kaññā bhaṇḍāni kiṇituṃ āpaṇaṃ gacchi. (Cô gái đã đi đến chợ để mua sắm hàng).
  • Vaḍḍhakī gehaṃ kātuṃ tarūni chetvā nisī- ditvā odanaṃ bhuñji. (Người thợ mộc sau khi đẵn gỗ để cất nhà, đã ngồi xuống và ăn cơm).

8. Phần lớn những tiếng liên từ được dịch dẫn đầu câu hay mệnh đề.

Ví dụ:

  • Saci tvaṃ goṇaṃ kineyyāsi ahaṃ vikkiney-yāmi. (Nếu anh mua con bò, tôi sẽ bán cho).
  • Athakho aññatarā devatā abhikkantāya rattiyā abhikkantavaṇṇā kevalakappaṃ Jetavanaṃ obhāsetvā yena Bhagavā ten' upasaṅkami. (Bấy giờ, một vị trời nọ dung sắc thù thắng, khi đêm đến rồi, bèn chiếu sáng toàn vùng Jetavana và đã đến hầu Ðức Thế Tôn).

9. Một số giới từ cũng được dịch dẫn đầu câu hay mệnh đề.

Ví dụ:

  • So punadivasato pabhuti ... Theraṃ nicca-kālaṃ attano ghare bhattavissaggakaranatthāya yāci. (Bắt đầu từ ngày hôm sau, người ấy đã thỉnh cầu vị Trưởng lão về việc thọ thực tại tư gia của mình vĩnh viễn).
  • Na me diṭṭho ito pubbe. (Trước đây tôi không được thấy).

10. Câu ở thể nghi vấn có khi dùng tiếng nghi vấn trạng từ, có khi là nghi vấn tính từ hoặc nghi vấn phân từ.

Tiếng nghi vấn trạng từ trong câu, đôi khi được dịch dẫn đầu hoặc sau tùy theo.

Ví dụ:

  • Kasmā tvaṃ naṃ paharo? (Tại sao anh đánh nó?)
  • Kuto āgato'si? (Từ đâu anh đến?)
  • Ahaṃ kattha vasissāmi? (Tôi sẽ sống tại đâu?)

Tiếng nghi vấn tính từ trong câu, thường được dịch sau tiếng mà nó phụ thuộc, nhưng cũng có khi dịch trước.

Ví dụ:

  • Tattha katamo rūpakkhandho? (Ở đây sắc uẩn là thế nào?)
  • Āvuso imaṃ temāsaṃ katīhi iriyāpathehi vītināmessatha? (Thưa chư hiền, các vị sẽ trải qua 3 tháng này với mấy oai nghi?)

Tiếng nghi vấn phân từ thường được diïch sau cùng, ít khi dịch trước.

Ví dụ:

  • Passatha nu tumhe bhikkhave amuṃ mahan-taṃ aggikkhandhaṃ? (Này chư Tỳ kheo, các ngươi có thấy đám lửa to kia không?)
  • Kacci nu kho' haṃ suññāgāre abhiramāmī' ti. (Nghĩ rằng: "Ta có thích nơi tĩnh lặng chăng? ").
  • Nanu te puttena Maṭṭhakuṇḍalinā mayi ma-naṃ pasādetvā sagge nibbattabhāvo kathito? (Có phải chăng sự kiện tái sanh vào cảnh trời do đặt tịnh tín nơi ta, đã được nói lại bởi Maṭṭhakuṇḍali con trai của ông?)

11. Trường hợp câu hay mệnh đề có tiếng hô khởi ngữ (tiếng giao thán từ hoặc từ ngữ hô cách), thì dịch tiếng ấy trước hết cũng được.

Ví dụ:

  • Ammatāta asukaṭṭhāne nāma tumhākaṃ ñātakā āgamanaṃ paccāsiṃsanti mayaṃ tattha gamissāmi. (Thưa song thân, ở tại nơi kia những quyến thuộc của các ngài đang trông đợi sự lai vãng, chúng ta sẽ đi đến đấy!).
  • Gahito no sāmi coro' ti. (Bẩm chủ, kẻ trộm đã bị chúng tôi bắt được).

12. Trong câu hay mệnh đề có tiếng cảm thán từ, thì có thể dịch tiếng ấy trước hết.

Ví dụ:

  • Aciraṃ vat' ayaṃ kāyo paṭhaviṃ adhi-sessati. (Ôi! không bao lâu thân này sẽ nằm xuống đất).
  • Appasmiṃ pi sāhu dānaṃ api ca saddhāya pi sāhu dānaṃ. (Tốt thay! sự bố thí khi thiếu thốn; Lành thay! sự bố thí với lòng tin).

13. Trường hợp trong câu hay mệnh đề có cả tiếng hô khởi ngữ cùng tiếng cảm thán từ, thì dịch tiếng cảm thán từ trước tiếng hô khởi ngữ cũng được.

Ví dụ:

  • Sādhu kho samma sārathi pabbajito nāma. (Tốt đẹp thay! này bạn phu xa, là sự được xuất gia).

- Kết thúc phần Câu và Cú pháp -