# Động từ năng truyền động thể
Ðịnh nghĩa: Ở tiếng Pāli, động từ năng truyền động thể, hay còn gọi là động từ thể sai khiến, là tiếng động từ diễn đạt ý nghĩa một động tác mà chủ từ không trực tiếp làm, nhưng lại tác động nhân vật khác làm.
Ví dụ:
- Sāmī dāsena khettaṃ kasāpesi. (Ông chủ đã sai người tớ cày ruộng).
- Mātā susuṃ sāyeti. (Người mẹ dỗ đứa bé ngủ ).
- Ahaṃ kumāraṃ kammaṃ kārāpessāmi. (Tôi sẽ khiến đứa bé làm việc)...
Mặt khác, thể sai khiến còn dùng để chuyển nghĩa một số động từ mà vẫn giữ vị thể năng động kattuvācaka
.
Ví dụ:
- Gahapati bhikkhū bhojāpesi . (Người gia chủ đãi ăn các vị tỳ kheo).
- Garu attano sisse sikkhāpeti. (Vị thầy dạy những đứa học trò của mình).
- Kumāro ghataṃ bhedesi. (Cậu bé đã đập bể ghè nước) ...
Những tiếng bhojāpeti (khiến cho ăn), sikkhāpeti (khiến cho học), bhedeti (khiến cho bể) ... đều là hình thức động từ năng truyền động thể (thể sai khiến) nhưng được dùng trong nghĩa năng động thể: bhojāpeti: đãi ăn; sikkhāpeti: dạy, bhedeti: phá vỡ.
# 1. Tiếp vĩ ngữ năng truyền động thể
Ðộng từ năng truyền động thể có hình thức cơ bản được hình thành với 4 tiếp vĩ ngữ paccaya
là ṇe, ṇaya, ṇāpe, ṇāpaya.
Hai tiếp vĩ ngữ ṇāpe, ṇāpaya áp dụng cho tất cả 8 nhóm ngữ căn dhātugaṇa
. Riêng về 2 tiếp vĩ ngữ ṇe và ṇaya (trong thể sai khiến) chỉ áp dụng với 7 nhóm ngữ căn, ngoại trừ nhóm đệ thất ngữ căn curādigaṇa
. Hai tiếp vĩ ngữ ṇe và ṇāpe rất thường dùng.
ṇ của tiếp vĩ ngữ là dấu hiệu làm tăng cường nguyên âm đầu của căn ngữ, ṇ sẽ bị bỏ khi ghép hợp với căn ngữ.
# 2. Sự hình thành năng truyền động thể
Ðể hình thành đơn vị cơ bản năng truyền động thể (thể sai khiến), người ta dùng 4 dạng tiếp vĩ ngữ trên ghép trực tiếp vào những ngữ căn hay phần cơ bản năng động thể. Như sau:
# 2.1. Ðối với ngữ căn
2.1.1. Với ngữ căn đa âm thì âm đầu của ngữ căn ấy được tăng cường trước tiếp vĩ ngữ. Sự tăng cường đó như sau: a thành ā, i và ī thành e; u và ū thành o.
Ví dụ:
- Kar (làm) + ṇe = kāre (kāreti: sai làm).
- Kar (làm) + ṇaya = kāraya (kārayati: sai làm).
- Kar (làm) + ṇāpe = kārepe (kārāpeti: sai làm).
- Gah (cầm) + ṇe = gāhe (gāheti: khiến lấy).
- Gah (cầm) + ṇāpe = gāhāpe (gāhāpeti : khiến lấy).
- Kup (bực tức) + ṇe = kope (kopeti: khiến bực).
- Pac (nấu) + ṇaya = pācaya (pācayati: khiến nấu).
- Pac (nấu) + ṇape = pācāpe (pācāpeti : khiến nấu).
- Pac (nấu) + ṇāpaya = pācāpaya (pācāpayati: khiến nấu).
- Budh (giác ngộ) + ṇe = bhodhe (bodheti: khiến giác ngộ).
- Bhid (bể vỡ) + ṇe = bhede (bhedeti: làm vỡ).
- Bhuj (ăn) + ṇe = bhoje (bhojeti: đãi ăn).
- Bhuj (ăn) + ṇāpe = bhojāpe (bhojāpeti: đãi ăn)
- Muh (lầm lạc) + ṇe = mohe (moheti: khiến lầm)...
2.1.2. Riêng về ngữ căn đơn âm thì tiếp vĩ ngữ được trực tiếp ghép vào.
Ví dụ:
- Ñā (hiểu) + ṇāpe = ñāpe (ñāpeti: khiến hiểu).
- Nhā (tắm) + ṇāpe = nahāpe (nahāpeti: khiến tắm).
- Niṭhā (hoàn tất) + ṇāpe = niṭṭhāpe (niṭṭhāpeti: làm hoàn tất).
- Vi-ñā (biết) + ṇāpe = viññāpe (viññāpeti: khiến biết, thông tin, báo cho) ...
# 2.2. Ðối với những thành phần cơ bản
Ðối với những thành phần cơ bản năng động thể khi được biến thành thể sai khiến, thì các tiếp vĩ ngữ thể này sẽ trực tiếp ghép vào mà không cần sự tăng cường như ở ngữ căn, nhưng âm tận cùng của phần cơ bản đó sẽ bị bỏ khi ghép hợp.
Ví dụ:
- Kīḷa (nô đùa) + ṇāpe = kīḷāpe (kīḷāpeti: khiến đùa).
- Khama (tha thứ) + ṇāpe = khamāpe (khamāpeti: tạ lỗi).
- Gaccha (đi) + ṇāpe = gacchāpe (gacchā-peti: bảo đi).
- Gaṇhā (cầm) + ṇāpe = gaṇhāpe (gaṇhāpeti: sai cầm).
- Chinda (cắt) + ṇāpe = chindāpe (chin-dāpeti: khiến cắt).
- Paca (nấu) + ṇāpe = pacāpe (pacāpeti: khiến nấu).
- Pale (tẩu thoát) + ṇāpe = palāpe (palāpeti: khiến tẩu thoát).
- Saya (ngủ) + ṇāpe = sayāpe (sayāpeti: dỗ ngủ).
- Hara (mang) + ṇāpe = sayāpe (harāpeti: khiến mang).
Cần chú ý đối với nhóm đệ thất ngữ căn (curādigaṇa) có dạng cơ bản năng động thể mang hình thức động từ tướng là "ṇe" và "ṇaya" như "coreti" (trộm cắp ), "pālayati" (bảo vệ) v.v... Do đó để tránh nhầm lẫn, khi lập thành thể sai khiến (năng truyền động thể) cho nhóm ngữ căn này, người ta chỉ sử dụng với 2 hình thức tiếp vĩ ngữ là "ṇāpe" và "ṇāpaya" mà thôi chứ không dùng "ṇe" và "ṇaya", vì "e" trùng hợp với hình thức động từ tướng của nhóm ấy.
Ví dụ:
Hai hình thức dưới đây là năng động thể
- Cur + ṇe = core (coreti: trộm cắp).
- Cur + ṇaya = coraya (corayati: trộm cắp).
Hai hình thức này là năng truyền động thể
- Cur + ṇāpe = corāpe (corāpeti: khiến trộm).
- Cur + ṇāpaya = corāpaya (corāpayati: khiến trộm).
# 3. Phép chia của động từ năng truyền động thể
Về phép chia thì cách của động từ cơ bản năng truyền động thể thì không có gì lạ. Chúng được chia giống như hình thức năng động thể vậy.
Những hình thức cơ bản năng truyền động thể có tận cùng là "a", như: pācaya, corāpaya ... thì được chia giống như động từ cơ bản năng động thể "paca" (nấu) vậy. Ví dụ:
Ngôi | Pāli | Số ít | Số nhiều |
---|---|---|---|
Thứ ba | Pa. | (so) pācayati | (te) pācayanti |
Thứ hai | Ma. | (tvaṃ) pācayasi | (tumhe) pācayatha |
Thứ nhất | Ut. | (ahaṃ) pācayāmi | (mayaṃ) pācayāma |
Những hình thức cơ bản năng truyền động thể có tận cùng là "e" như: pāce, kārāpe, corāpe ... thì được chia giống như động từ cơ bản năng động thể "core" (trộm cắp) vậy. Ví dụ:
Ngôi | Pāli | Số ít | Số nhiều |
---|---|---|---|
Thứ ba | Pa. | (so) pāceti | (te) pācenti |
Thứ hai | Ma. | (tvaṃ) pācesi | (tumhe) pācetha |
Thứ nhất | Ut. | (ahaṃ) pācemi | (mayaṃ) pācema |